vừa đọc 1 bài tâm sự cute của 1 bạn chia sẻ về việc học nghề thay vì học cấp 3, thấy ngay bình luận, đại ý rằng: “nếu bạn học nghề bạn sẽ là 1 công nhân giỏi, nếu bạn học cấp 3 bạn sẽ là 1 người giỏi” mà khó chịu ghê.
tôi cho rằng không phải ai cũng phù hợp theo học thuật bàn giấy. tôi cũng không thấy có đủ lý do thuyết phục để nhất nhất toàn dân nên tin rằng đại học – hay thậm chí là cấp 3 – là con đường DỄ DÀNG NHẤT, hay TỐT NHẤT.
nó không phải con đường dễ dàng nhất, bởi khả năng của mỗi người khác nhau. môi trường học thuật có những đòi hỏi khắt khe và sự cạnh tranh rất ác liệt, không chỉ là việc ăn học và tích luỹ tri thức cho ấm vào thân. tôi còn chưa thèm nói tới những nơi mang tiếng là đại học nhưng chẳng tạo được môi trường học thuật cho sinh viên – bắt học nhồi, không khuyến khích sinh viên tìm đọc bằng các tài liệu bên ngoài, không có không gian hay thời gian trao đổi phản biện về việc học,… rồi còn khả năng tài chính để theo đuổi việc học nữa.
nó cũng chẳng phải con đường tốt nhất, hay nói rõ hơn, là tối ưu nhất cho việc phát triển sự nghiệp cá nhân của nhiều người. cái này thì tôi xin đổ lỗi phần nhiều cho xã hội. tôi đã chứng kiến quá nhiều trường hợp, và tự thấy cả trong chính tôi, chỉ chăm chăm lao vào kiếm tiền, làm đẹp CV ngay từ năm nhất. đứa nào chỉ tập trung học, đứa đó “thất bại” rồi. nhưng quả đúng vậy, khi ở thời của tôi, người ta kỳ vọng sinh viên ra trường phải có 2-3 năm kinh nghiệm, network ầm ầm, kỹ năng ba đầu sáu tay. chẳng ai thèm tuyển qua CV nữa, chỉ có người quen giới thiệu hay đi lên từ thời thực tập sinh. tự lũ sinh viên cũng thao túng bản thân bằng những diễn ngôn về sự năng động rồi linh hoạt này nọ. mặc dù, chúng nó đã có thể… không học đại học và đi làm luôn từ năm 18 tuổi. như thế chẳng phải hợp lý hơn sao? nhưng vì quá nhiều nơi trọng bằng cấp (dù tấm bằng đó có thể chẳng phản ánh quá nhiều về ứng viên), nên gần như mọi người luôn phải cố gắng vừa làm vừa học. theo trải nghiệm của tôi thì nó chả giúp mình thực sự lĩnh hội được một điều gì hết. làm việc bán thời gian hay từ xa đem lại những trải nghiệm khác hoàn toàn so với làm việc toàn thời gian, trực tiếp ở văn phòng. học cày tín chỉ, gần thi mới học, học xong cũng chẳng đọng lại gì trong đầu, bởi còn đắm chìm trong vòng xoáy của biết bao việc khác,…
nói chung, tôi ác cảm với những người yêu thích sự giỏi giang học thuật kiểu “phông bạt” – những người có thành tích ấn tượng và nổi bật ở trường lớp nhưng chưa bao giờ có nổi thời gian cho việc đọc sách, làm thơ, thưởng thức nghệ thuật, tham gia workshop, hay quan tâm tới các vấn đề xã hội. những người như thế, và những người tôn sùng những người như thế, thì cũng chẳng có tư cách gì chê bai những người chọn học trường nghề từ cấp 3. bạn cười họ vì họ làm thợ, tôi cười bạn vì bạn khác đéo. quá nhiều trường đại học bản chất chỉ là những trường nghề cấp cao. học đại học mà chỉ chăm chăm ra trường đúng hạn, đi làm đúng ngành, chọn ngành mà báo hay nhắc tới, vì nhân lực còn thiếu nhiều. chẳng ai nhìn vào thời gian học đại học như một trải nghiệm mang tính lâu dài và nền tảng để vun đắp cho mình một căn tính học thuật đích thực.
viết trên facebook. 19/7/2023. đã sửa lại nhiều chút, đặt thêm tiêu đề. 26/4/2025.