vì sao tôi viết

00:01 06/04/2021

Chắc nhìn giờ mọi người cũng biết, mình vẫn đang trong tinh thần của ngày hôm trước đó, do ngày hôm nay vẫn chưa đến với mình. Đến theo đúng nghĩa của một ngày, là việc phải trải qua một vài sự kiện to nhỏ, một chút hay thật nhiều cảm xúc, và cảm nhận về thời gian gắn liền với từng mốc nho nhỏ: buổi sáng, sau khi tan học, hay là trước khi đi ngủ. 

Mình quyết định quay lại với thói quen viết lách (thật ra là đánh máy) sau một thời gian ngưng trệ gần như là hẳn với nó. Dù không rõ ràng, nhưng mình luôn tin rằng thói quen viết, dù chỉ là viết những thứ vụn vặt, vớ vẩn, hòng giải tỏa chút cảm xúc hay tiêu hao ít thời gian rảnh, đều mang lại ít nhiều lợi ích cho mình. Và cũng như câu nói đã từng khiến mình day dứt ít nhiều khi biết tới nó, đại ý là, mày chẳng thể nào trở thành một người viết (writer) nếu mày không bao giờ viết. Nghe thật ngớ ngẩn, nhưng mình chẳng thể tìm lại được câu trích dẫn đó. Nhưng cảm giác tự ái, và xấu hổ thì không thể nào do mình tự bịa ra, và ít nhất, một ký ức mơ hồ về nó cũng chẳng đáng giá nếu như nó không tiếp tục là tiền đề lớn lao cho một hành động ngày hôm nay, trong lúc này của mình. Và mình rất mong muốn bản thân sẽ tiếp tục viết, dù là viết dở đến đâu đi chăng nữa.

Mình mong muốn làm nhà văn – đúng thế. Mình luôn biết rõ điều này. Nhưng mình chưa bao giờ viết ra một câu chuyện, hay học ở một trường chuyên, ngẫm nghĩ và phân tích đau đầu với các kỹ thuật viết, kỹ năng kể chuyện hay xây dựng nhân vật gì gì đó. Thiết nghĩ đó là thứ đáng phải học và bàn luận (một mình hay nhiều mình), nhưng vì lý do nào đó, mình luôn phớt lờ nó. Khi mình còn nhỏ, mình đã đọc khá nhiều những mẩu truyện ngắn, truyện dài được viết bởi những tác giả rất trẻ, chắc chỉ hơn mình vài tuổi, ở trên những tờ báo thiếu niên. Cách viết vụng về, cốt truyện dễ đoán, thiếu chiều sâu và thiếu các ẩn ý hấp dẫn là những đặc điểm chung của những tác phẩm này. Mình, cũng như bất kỳ ai khi chưa bao giờ dám dấn thân làm một việc gì đó mới mẻ, và cũng chẳng mấy khi nhận được cảm hứng hay lời động viên từ ai, mình đã từng nghĩ “Phải làm một cái gì đó thật tốt rồi mình mới dám khoe cho mọi người. Nếu mình phải viết một thứ như kia cho hàng ngàn người đọc, ẩn mình dưới một nghệ danh vớ vẩn, dịch tên mình sang ngôn ngữ khác, một ngôn ngữ mình cho là hay ho nhưng chẳng biết một chữ bẻ đôi về nó, thì thật là đáng xấu hổ!” Mình cũng biết nhiều tác giả đã ăn nên làm ra với sự tầm thường của họ, nhưng đó sau cùng vẫn chẳng phải là lựa chọn của mình. Giờ đây, mình biết rằng họ không “cố tình” để làm tác phẩm của họ dở hay là trông thật cẩu thả, non nớt. Họ cũng không tự nhiên làm trò hề cho thiên hạ với thứ mình bông đùa. Nếu bản thân đã cố hết sức và chau chuốt cho nó rồi thì mặc lời chê trách, mình vẫn hoàn toàn có thể sống ổn, không chút mặc cảm hay hối hận. Và bản thân mình cũng biết, giới hạn của mình to hơn của những người đó nhiều. Và điều mình luôn tin rằng nó có thể giúp mình đạt đến giới hạn của bản thân, đó là việc … sống trước đã.

Quả nhiên, mình đã từng là một người sống trong một cái lồng. Giờ thì mình còn tìm được một ẩn dụ hay hơn là cái giếng. Giống như chú ếch trong câu chuyện, chúng ta có thể vẫn luôn mắc kẹt trong chính những điều ta biết. Bằng cách phá vỡ nó ra dần dần, va chạm dần dần, giờ thì mình tỏ ra khá bàng quan với những thứ mới mẻ, ít ra thì không phải là lo lắng về chúng quá nhiều, hay là ai đánh giá mình về sau. Điều này chẳng phải vì mình mới bơm thêm máu liều, mà bởi mình cẩn thận chuẩn bị cho mọi thứ. Chuẩn bị càng kỹ thì càng tốt cho mình thôi. Người liều có thể ăn may hơn mình, nhưng cái giá phải trả đôi khi lại làm người ta chùn bước lắm, nếu khi đó người ta còn bước để chùn. Nó cũng đi kèm với những nỗi sợ của bản thân. Càng sợ, càng không muốn làm. Hoặc là càng sợ, càng phải chuẩn bị thật tốt tất cả mọi thứ để không khiến bản thân rơi vào trạng thái mất kiểm soát.


bài viết được đăng lại từ một dự án nho nhỏ trước đây. tiêu đề do tôi – người đăng bài – tự đặt.